Đền thờ Nghĩa sỹ đại Vương Nguyễn Biểu – Vị tướng “ăn cỗ đầu người”
03/10/2023
Lượt xem: 2468
Đền thờ Nguyễn Biểu là một biểu tượng của tấm lòng trung nghĩa với vua, với nước và khí phách bất khuất của kẻ sĩ đất Hồng Lam, được người dân vô cùng kính ngưỡng, và là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân và du khách thập phương. Người dân vẫn còn truyền tụng nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của đền thờ Nguyễn Biểu
Nguyễn Biểu là tướng nhà Hậu Trần (1350-1413). Nguyễn Biểu đỗ Thái học sinh (Tiến sỹ) thời Trần, phò vua Trần Trùng Quang chống giặc Minh, giữ chức Điện tiền thị Ngự sử. Năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An, tình thế đất nước lúc ấy rất nguy cấp, Nguyễn Biểu đi sứ dâng biểu cầu phong theo lệnh Vua. Quan tổng binh Nhà Minh là Trương Phụ đã nham hiểm dọn cỗ đầu người hòng khuất phục Nguyễn Biểu, nhưng ông vẫn điềm nhiên khoét mắt ăn và cảm khái” Nam nhân thực, Bắc nhân đầu hào hảo”( Người nam ăn đầu người Bắc rất ngon) và mắng nhà Minh là kẻ xâm lược. Tức giận, Trương Phụ đã trói Nguyễn Biểu dưới cầu Lam để thuỷ triều dìm chết ông vào 01 tháng 7 năm Quý Tỵ.
Sau khi Nguyễn Biểu mất, ghi nhận công lao, cảm kích trước khí tiết của Nghĩa liệt vương Nguyễn Biểu, người dân đã lập miếu thờ ông trên núi Lam Thành, vị trí cách chùa Yên Quốc khoảng 1 km, ban đầu chỉ là gian miếu nhỏ làm bằng tranh tre nứa mét. Đến thời Hậu Lê mới được xây dựng bằng gạch ngói, gỗ kiên cố. Đến năm Duy Tân thứ 7 (1913 ), đền được xây dựng các hạng mục nhà bái đường và hai hậu cung. Cùng với thờ Nguyễn Biểu, đền còn thờ Phan Quốc Hoa, quê ở La Sơn (Đức Thọ), đậu Tiến sĩ năm 1535 đời vua Lê Trang Tông, đã hy sinh trong một trận giao tranh với quân Mạc vào năm 1557.
Năm 2007, nhân dân đã trùng tu và hợp tự Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những người có tâm huyết trong việc trùng tu, tôn tạo Ngôi đền này đó là Thầy giáo Nguyễn Văn Kiểu. Đền thờ Nguyễn Biểu được công nhận là di tích cấp tỉnh vào năm 2009. Đến nay, trong khuôn viên đền khoảng 3.000m2 có giếng cổ, cổng tam quan và hai bức tường cổ, hai con voi, hai nhà hoá vàng, bái đường, hai hậu cung có bài vị Nguyễn Biểu và Phan Quốc Hoa. Phía trước nhà bái đường có bức hoành phi "Hộ quốc tý dân" (Bảo vệ nước, che chở dân) và đôi câu đối: "Thành Lam tích cổ chung linh địa - Yên Việt song trung kỷ niệm đài" (Thành Lam nơi chung đúc đất thiêng - Yên Việt là đài kỷ niệm của hai bậc trung thần". Bên trái có bài thơ của vua Trùng Quang tiễn Nguyễn Biểu đi sứ, bên phải là bài thơ "ăn cỗ đầu người” của Nguyễn Biểu.
Từ xưa đến nay, đền thờ Nguyễn Biểu là một biểu tượng của tấm lòng trung nghĩa với vua, với nước và khí phách bất khuất của kẻ sĩ đất Hồng Lam, được người dân vô cùng kính ngưỡng, và là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân và du khách thập phương. Người dân vẫn còn truyền tụng nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của đền thờ Nguyễn Biểu./.
( Nguồn tư liệu bài viết được sưu tầm, có kiểm chứng)
https://baonghean.vn/thay-kieu-va-tam-huyet-phuc-hoi-den-tho-nguyen-bieu-post53714.html